theme-sticky-logo-alt
theme-logo-alt
Tiết kiệm thời gian nấu ăn tại nhà

Làm Thế Nào Để Tiết Kiệm Thời Gian Nấu Ăn Tại Nhà?

Tiết kiệm thời gian nấu ăn là câu hỏi tôi nhận được rất nhiều trong thời gian gần đây. Tôi tin, vấn đề này không chỉ dành riêng cho phụ nữ, những người nội trợ mà nó còn là câu hỏi của rất nhiều người bận rộn khác. Trong bài viết này, tôi sẽ nói về cách tôi thực hiện thông qua 5 bước vô cùng đơn giản.

Tiết kiệm thời gian nấu ăn tại nhà?

Là một người phụ nữ khá truyền thống tôi cho rằng “nấu ăn” là cách để giữ lửa gia đình. Tuy nhiên, tôi nhận ra, phụ nữ chúng ta phần đa đều mất quá nhiều thời gian để nấu ăn. Liệu có cách nào để tối ưu hoá quỹ thời gian này không? Đã có rất nhiều bạn than vãn với tôi rằng: “Mỗi ngày chỉ vì chuẩn bị thức ăn mà họ không có thời gian để làm những việc khác. Đó là chưa kể đến những bạn có em bé nhỏ và phải chuẩn bị những bữa ăn dặm, ăn phụ riêng cho bé nữa. 

Từ thực tế của bản thân, tôi tin, nấu ăn thực sự cần thiết và quan trọng. Mỗi người phụ nữ, không ít thì nhiều đều cần biết nấu ăn. Tuy nhiên, nếu việc nấu ăn chiếm quá nhiều thời gian của phụ nữ thì chúng ta cần phải xem lại. Ngoại trừ những người làm nghề liên quan về nấu ăn như đầu bếp, hay youtube ẩm thực thì hầu hết ăn uống chỉ là một phần trong cuộc sống. Và chúng ta nên có giới hạn thời gian cho nó.

Nếu bạn đang ở trong tình trạng giống như tôi đề cập ở trên. Nếu bạn muốn có thêm thời gian để làm những công việc khác. Nếu bạn muốn tận hưởng cuộc sống nhiều hơn và không muốn bị dính chặt với cái bếp. Tôi tin rằng những chia sẻ dưới đây của tôi sẽ phần nào hữu ích cho bạn.

Lợi ích của “nấu ăn tại nhà”

Nấu ăn tại nhà mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích. Đặc biệt đối với sức khỏe. Có nhiều nghiên cứu cho thấy, nấu ăn tại nhà giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn. Bạn có thể dễ dàng định lượng khẩu phần ăn cũng như cách thức chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, tự nấu ăn giúp kiểm soát được cách chúng ta sử dụng chất béo trong thức ăn. Từ đó hỗ trợ quá trình giảm cân lành mạnh của bạn. Một số lợi ích phổ biến của tự nấu ăn có thể kể đến như:

  • Kiểm soát được lượng dinh dưỡng thu nạp
  • Hỗ trợ quá trình giảm cân/tăng cân lành mạnh
  • Tiết kiệm chi phí
  • Tốt cho sức khỏe

Tuy nhiên rào cản của nấu ăn tại nhà đó chính là “mất khá nhiều thời gian”. Chính vì vậy, phần đa mọi người đều nói với tôi rằng họ rất lười nấu ăn nếu chỉ có một mình. Hoặc, để tiết kiệm thời gian họ có xu hướng lựa chọn các thực phẩm chế biến sẵn nhiều hơn. 

Có cách nào để tiết kiệm thời gian nấu ăn không?

Câu trả lời là có. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được quỹ thời gian nấu ăn để tối ưu hoá cuộc sống. Bắt đầu từ những bước nhỏ, đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả. Chỉ cần một chút kiên trì, nhẫn nại, chịu khó và có kế hoạch. Chắc chắn bạn sẽ thay đổi được. Đây là một quá trình rèn luyện để thay đổi. Vì thế, nếu bạn đã sẵn sàng hãy đi tiếp cùng tôi.

1. Thay đổi tư duy

Điều đầu tiên và quan trọng nhất có lẽ thuộc về tư duy cố hữu của chúng ta. Để thay đổi hành động, bạn nhất định phải thay đổi tư duy. Nếu bạn đang tư duy kiểu “nấu ăn nhất định phải phức tạp” thì hãy thay đổi nó ngay từ hôm nay. Bởi vì “Ăn uống lành mạnh – đơn giản – khoa học” chính là giải pháp giúp bạn tối ưu hoá cuộc sống của bạn. 

1.1. Nấu ăn đơn giản – khoa học là gì?

Thuật ngữ này khá liên quan đến phong cách sống lành mạnh mà tôi sẽ viết rõ hơn trong một bài viết khác về thực phẩm lành mạnh. Đây cũng là cách tôi thực hiện để giảm được 22kg sau khi sinh em bé và duy trì nó cho tới nay. Hiểu một cách nôm na thì nấu ăn đơn giản nghĩa là bạn lựa chọn các phương thức nấu nướng không mất quá nhiều thời gian. Nhưng vẫn đảm bảo được sự ngon lành cũng như khẩu phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. 

Theo viện dinh dưỡng quốc gia, một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là:

  • Nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc),
  • Nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…),
  • Nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật),
  • Nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…).

Tuy nhiên, việc đảm bảo 4 nhóm thực phẩm đó không có nghĩa là bạn phải dành quá nhiều thời gian nấu ăn hoặc ăn uống quá cầu kỳ.

1.2. Lợi ích của nấu ăn đơn giản – khoa học

Ngoài chuyện đảm bảo được các lợi ích về dinh dưỡng thì “nấu ăn đơn giản – khoa học” mang đến nhiều công dụng thấy rõ:

  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể thông qua việc kiểm soát được khẩu phần ăn uống.
  • Tiết kiệm thời gian: Vì mỗi bữa ăn sẽ chỉ chiếm khoảng 30 phút của bạn nên bạn sẽ không quá nặng đầu về thời gian nữa. Bạn sẽ tránh được tình trạng lười và bớt ăn ngoài nhiều hơn. Bạn sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để làm những công việc khác.
  • Tạo lập thói quen sống có kế hoạch: Duy trì thực hành đều đặn những phương pháp tôi sắp đề cập sẽ giúp bạn trở nên có kế hoạch hơn. Và nhờ có kế hoạch, quỹ thời gian của bạn được tối ưu hiệu quả. Không còn những quãng thời gian lãng phí vì phải lựa chọn nữa.
  • Tận hưởng cuộc sống: Khi bạn tiết kiệm được thời gian nấu nướng bạn sẽ có thêm quỹ thời gian để tận hưởng cuộc sống, và làm những công việc khác mà bạn thích. 

2. Thay đổi hành động của bạn

Sau khi trở nên cởi mở hơn về mặt tư duy, hãy bắt đầu hành trình thay đổi hành động hằng ngày của bạn bằng 5 bước cơ bản sau

2.1. Lựa chọn dụng cụ hỗ trợ

Những công cụ làm bếp là người bạn hỗ trợ công việc nấu nướng của bạn. Và nếu bạn lựa chọn đúng, thì việc nấu nướng của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, có rất nhiều công cụ để bạn lựa chọn. Và tôi tin danh sách những món đồ cần thiết mà tôi đề cập trong bài viết này sẽ thực sự giúp ích cho bạn. Hãy tận dụng hiệu quả các công cụ để mang đến cho bạn nhiều thời gian hơn.

2.2. Lên trước thực đơn theo tuần

Như tôi đã nêu ra vấn đề trong bài viết trước về thói quen giúp bảo toàn năng lượng. Việc lên thực đơn theo tuần giúp bạn tiết kiệm thời gian nấu nướng, ăn uống đủ chất, khoa học. Bên cạnh đó, giảm bớt mệt mỏi khi mỗi ngày đều phải trả lời câu hỏi: “hôm nay ăn gì?”. Thời gian đầu có lẽ sẽ khó khăn, nhưng nếu bạn quyết tâm và muốn thay đổi thì bạn sẽ làm được. 

Chúng ta có thể dành thời gian vào một ngày trong tuần để lên kế hoạch thực đơn cho cả tuần. Đó có thể là chủ nhật hoặc một buổi tối trong tuần khi bạn không quá bận rộn với công việc của mình. Điều lưu ý là khi bạn chọn một mốc thời gian rồi thì hãy duy trì nó đều đặn. Đó là cơ sở cho việc hình thành thói quen. Một khi đã quen bạn sẽ tự động thực hiện mà không cần phải lấy động lực nữa. 

2.3. Lập danh sách đồ cần mua

Sau khi đã lên được thực đơn tuần cho riêng mình, hãy bắt đầu viết ra những món đồ bạn cần mua. Một danh sách những thứ cần mua sẽ giúp bạn tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc khi đi mua sắm. Mỗi tuần, bạn có thể chỉ cần đi chợ/siêu thị một lần thôi, và lưu trữ đồ ăn đủ dùng cho cả tuần. Bạn sẽ hài lòng về những món bạn mua (vì chúng đã có trong danh sách rồi). Và bạn sẽ không phải hối hận vì lỡ mua một món đồ nào đó mà bạn không thật sự cần tới (chỉ vì chúng bày ra trước mắt bạn).

Mẹo: 
  • Bạn hãy lập danh sách rõ ràng và phân loại theo cách mà các siêu thị vẫn thường làm: đồ khô, thực phẩm tươi sống, các chế phẩm từ sữa, đồ đông lạnh…
  • Bên cạnh thực phẩm, bạn cũng nên cân nhắc đến những món đồ dùng khác mà bạn cần dùng tới. Để tiết kiệm thời gian phải đi mua khi cần.

2.4. Lưu trữ và phân chia thực phẩm sẵn

Một trong những thói quen khá hay mà tôi thường thấy ở nước ngoài là họ có cả một nhà kho dự trữ các thực phẩm khô: mì ống, gia vị… Ở Việt Nam tôi cũng thấy có, tuy nhiên với mức độ ít hơn. Chúng ta thường chỉ tận dụng các tủ bếp và chỉ lưu trữ ở mức vừa phải. Tôi không đánh giá thói quen lưu trữ nhiều là tốt hay ít là xấu. Điều tôi muốn nói là, việc lưu trữ thực phẩm thật sự rất có lợi cho chúng ta. 

Sau khi mua sắm những món đồ cần thiết, hãy phân loại chúng vào những nơi phù hợp. Sơ chế nguyên liệu đối với thịt, cá hoặc rau xanh. Nếu những món cần mất nhiều thời gian để nấu (món hầm, súp, thịt/cá kho…) bạn cũng có thể nấu sẵn chúng, và cho vào các hộp đựng nhỏ hơn phù hợp cho mỗi khẩu phần ăn của bạn. 

Mẹo
  • Hãy chọn những dụng cụ chứa thực phẩm phù hợp với dung tích đựng thực phẩm, công dụng bảo quản của chúng để đạt được hiệu quả tối ưu. Bạn không nhất thiết phải đầu tư vào một hộp đựng đắt tiền. Nhưng quan trọng là bạn hiểu cơ chế hoạt động của nó. Cũng như lưu ý về thời gian bảo quản thực phẩm để sử dụng chúng an toàn.
  • Hãy dán nhãn bên ngoài hộp đựng để bạn có thể lấy chúng ra khỏi tủ lạnh mà không mất thời gian tìm kiếm. Hãy ghi rõ ngày bạn chế biến và hạn sử dụng của nó nữa nhé.
  • Bạn cũng có thể cân nhắc đến một chiếc bảng gắn ngoài tủ lạnh. Nó dùng để viết tên các thực phẩm có ở bên trong cũng như thời hạn của chúng như một cách nhắc nhở bạn.

2.5. Tập trung tận hưởng và cân bằng 

Điều cuối cùng, chắc chắn rồi đó chính là nấu. Để tiết kiệm thời gian nấu nướng tôi khuyên bạn hãy tập trung vào nó. Vì bạn đã sơ chế nguyên liệu hoặc đã chuẩn bị sẵn một số phần ăn từ trước rồi nên bạn cũng không còn mất quá nhiều thời gian chuẩn bị nữa. Bạn hãy lấy chúng ra khỏi tủ lạnh. Hâm nóng lại đối với những thực phẩm đã được nấu chín từ trước. Hoặc nấu nhanh những món rau mà bạn yêu thích. Và đây là thời gian để bạn tận hưởng món ăn của bạn. Hãy tận hưởng khoảng thời gian ăn uống này, vì bạn xứng đáng nhận được điều đó. 

Lời kết

Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của tôi để giúp bạn có thể kiểm soát và giảm thiểu tối đa thời gian nấu nướng hằng ngày. Mong rằng những chia sẻ trên phần nào giúp ích được cho bạn. 

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích bạn có thể cân nhắc ủng hộ cho blog. Hoặc chia sẻ bài viết này đến những người bạn của bạn. 

Nếu bạn muốn chia sẻ thêm về cách làm của bạn hoặc góp ý cho bài viết của tôi, bạn có thể email đến thetanawriter@gmail.com.

-Tana-

From Thao Nguyễn With Love

Chia sẻ:
Bài đăng trước
7 Dụng Cụ Bếp Không Thể Thiếu Giúp Tiết Kiệm Thời Gian Nấu Ăn
Bài đăng sau
Bắt Đầu Sống Đơn Giản – Có Kế Hoạch – Không Ngừng Phát Triển Bền Vững Cùng Tôi
15 49.0138 8.38624 1 0 4000 1 https://thetanawriter.com 100 1